Vài dòng vặt vãnh chia sẻ với mọi người về quá trình học tiếng Anh của tôi, hi vọng chúng sẽ có ích cho các bạn bắt đầu học tiếng Anh.
Lúc còn bé, tôi không hề giỏi tiếng Anh.
Mùa hè năm lớp 3, tôi được người nhà giới thiệu đi học thêm lớp tiếng Anh ở Cung Thiếu nhi Hà Hội. Ngày đầu tiên vào lớp, tôi nhìn quyển sách Let's go (giáo trình của lớp học, không nhớ rõ quyển số mấy) mà mắt tròn mắt dẹt. Tôi càng cảm thấy lạc lõng hơn khi thấy lần lượt từng bạn đọc vanh vách các câu tiếng Anh trong sách như cô giáo yêu cầu, còn tôi thì thậm chí chưa nhìn thấy các từ đó bao giờ. Sau vài tuần, tôi nghỉ học vì cảm thấy hoàn toàn bất lực, và thật ra, lí do duy nhất khiến tôi cố gắng đi học vài tuần đó là vì được đi chơi Hà Nội và được ăn vặt.
Năm sau, bố mẹ tôi thuê hẳn một cô gia sư dạy tiếng Anh cho tôi và mấy đứa bạn gần nhà, địa điểm học là nhà tôi. Lớp học chẳng kéo dài được bao lâu, có lẽ khoảng 2-3 tháng thì kết thúc vì cô có việc bận không dạy tiếp được. Thứ duy nhất đọng lại trong tôi là tên của các ngày trong tuần và các tháng trong năm. Tôi hoàn toàn không tiếp thu được gì hơn.
Vào đầu năm lớp 6, tôi đến trường học tiếng Anh như thể chưa bao giờ học thứ ngôn ngữ này. Nhưng, đây là quãng thời gian vô cùng may mắn vì có nhiều yếu tố khác nhau đã giúp tôi học tiếng Anh khá hơn.
Đầu tiên phải kể đến giáo viên tiếng Anh của tôi, cũng là cô giáo chủ nhiệm. Lúc dạy bọn tôi, cô cũng đã có tuổi, phát âm cũng không thật sự chuẩn, nhưng bù lại cô giảng ngữ pháp rất chi tiết, và thế là tôi đã có thể viết các câu tiếng Anh đơn giản.
Điều này một phần cũng là nhờ trước đó tôi học khá tốt môn tiếng Việt, đặc biệt là các khái niệm về từ loại và vai trò của các loại từ trong câu văn. Nhờ đó, tôi nhận ra rằng ngữ pháp tiếng Anh cũng có vài phần dễ hiểu. Ví dụ như danh từ thì mới làm được chủ ngữ, còn trạng ngữ là những thứ liên quan đến thời gian và địa điểm nơi hành động xảy ra.
Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất giúp tôi học tiếng Anh ngày càng tiến bộ trong các năm lớp 8 và 9 đó là việc tôi tiếp xúc với tiếng Anh rất nhiều ở nhà.
Tuổi thơ của tôi tràn ngập game. AoE, Warcraft III, Dota 1 và các phiên bản Pokemon trên nền tảng giả lập GBA là những trò tôi đam mê nhất. Một ngày nghỉ cuối tuần, tôi có thể dành tới gần 10 tiếng chỉ để chơi game.
Tất nhiên, TẤT CẢ CÁC GAME trên đều dùng tiếng Anh. Tôi bắt buộc phải đọc, phải hiểu và làm theo các chỉ dẫn và mô tả, đều bằng tiếng Anh, để có thể hoàn thành các Missions và Objectives của trò chơi. 10 tiếng chơi game mỗi ngày giống như 10 tiếng học tiếng Anh vậy! Nhờ thế, từ vựng, ngữ pháp và khả năng đọc của tôi được cả thiện đáng kể.
Còn với khả năng nghe và phát âm, những bài hát Âu - Mỹ chính là điều tuyệt vời nhất đã giúp tôi. Chiếc máy nghe nhạc đầu tiên của tôi, 1 chiếc Sony Walkman, chứa tới hàng trăm bài hát của Westlife (và một số ít bài của các nhóm nhạc và ca sĩ khác). Tôi luôn đem nó bên mình lúc đi học hay đi thăm quan với cả lớp và nghiền ngẫm mỗi tối trước khi đi ngủ. Việc đọc lời bài hát, tra nghĩa của các từ mới và hát theo từng câu chữ đã dần dần giúp tôi phát triển khả năng nghe và phát âm mà chính tôi cũng không hay biết.
Những thói quen trên được tôi giữ suốt 3 năm THPT. Điểm tiếng Anh của tôi ở lớp luôn cao ngất và điểm thi đại học môn tiếng Anh khối D của tôi là 9,5. Nhờ thế, tôi vào đại học với một nền tảng tiếng Anh mà tôi cho rằng là tốt. Nhưng, khi thật sự học tiếng Anh chuyên ngành trong trường Đại học, tôi mới nhận ra mình còn kém như thế nào ...
[To be continued]
Comments