top of page

[Series Lỗi Sai Thường Gặp] - Kỳ I: Dịch word-by-word và vài câu chuyện vui


Xin chào cả nhà! Cá lại ngoi lên mặt nước rồi đây! Lần này thì Cá sẽ bắt đầu một series về những lỗi sai thường gặp khi bạn học tiếng Anh nói chung và Ielts nói riêng nhé.


Let's get started! ^_^


Phần đầu tiên của series này là một lỗi mà các bạn rất hay gặp, đặc biệt là trong phần Writing và Speaking. Đó là dịch word-by-word.



1. Dịch word-by-word là cái gì thế?


Đầu tiên, hẳn là bạn đang thắc mắc rằng, tui còn chẳng biết word-by-word là cái quần què gì thì làm sao mà tui dịch word-by-word được. Ờm, word-by-word không phải là từ-cạnh-từ đấy chứ hả?


Nhưng bạn biết không, đây là một lỗi thường gặp khi bạn học bất cứ ngôn ngữ nào, chứ không chỉ có mỗi tiếng Anh đâu.


Dịch word-by-word có nghĩa là bạn dịch từng từ trong một câu sang một ngôn ngữ khác mà không quan tâm đến từ loại, ngữ pháp, cấu trúc hay ý nghĩa tổng thể của cả câu. Ngay cả việc bạn dịch "word-by-word" là "từ-cạnh-từ" cũng chính là việc bạn mắc lỗi dịch này rồi đấy :)))))))


Vậy thì lỗi này được tạo ra do đâu? Chủ yếu là do bạn chưa chắc kiến thức về mặt ngữ pháp (của cả hai thứ tiếng bạn đang sử dụng), hiểu sai nghĩa của từ, và trong một số trường hợp là do bạn tiếp xúc với ngoại ngữ chưa đủ nhiều để hiểu được các cụm từ đặc biệt trong một số trường hợp giao tiếp của nó.



Dịch word-by-word là một lỗi thường gặp với người học ở tất cả các cấp độ, và nó gây ra sự khó hiểu cho người nghe/người đọc, và khi đi thi thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn bị mất điểm (tất nhiên rồi, không hiểu thì sao cho điểm bạn được :(((( ).




Tuy nhiên, trong bài blog này, Cá sẽ chỉ chia sẻ một vài câu chuyện vui vui để các bạn hình dung thôi nhé!!! Còn những câu chuyện đau thương thì bạn phải tự cảm nhận thì mới nhớ lâu được :)))) Miếng ngon nhớ lâu đòn đau nhớ đời mà :))))


2. Vài câu chuyện vui về dịch word-by-word


Story #1: Tiếng Anh củ chuối


Câu chuyện về Tiếng Anh củ chuối này khá phổ biến vào những năm 2010. Chắc mình chẳng cần lý giải gì nhiều, bạn chỉ cần nhìn hình ảnh sau là đủ hiểu.


(Mình không biết trong Tiếng Anh còn có cụm No Star Where cơ đấy :(((( Chuyện này chứng minh cho 1 luận điểm mà mình sẽ kết luận về sau, đó là Gu gồ dịch là một thứ không đáng tin tẹo nào :(((( )


Hãy thử gõ 3 chữ "No star where" lên khung tìm kiếm của Google, và bạn sẽ thấy điều bất ngờ! Big question, mình có nên ấn nút "Phản hồi" ở đây không? :))))

Nếu để mà liệt kê ra những cụm Tiếng Anh củ chuối thế này thì có lẽ phải ngồi đến mai mới hết. Những câu kinh điển cỡ như:


  • Like is afternoon: thích thì chiều.

  • No four go: vô tư đi.

  • Know die now: biết chết liền.

  • No table: miễn bàn.

  • No dare where: không dám đâu.

  • Go die go: đi chết đi. Ugly tiger: xấu hổ.

  • You lie see love: em xạo thấy thương.

  • Do you think you delicious: mày tưởng mày ngon hả.

  • you what Pomelo: mày hả bưởi

  • sugar U U go, sugar me me go:đường em em đi...đường anh anh đi!

  • no want salad again : Anh không muối cãi với em nữa.

  • If you want i'll afternoon you : Nếu em muốn anh sẽ chìu em.

  • No I love me : Không ai iu tui

  • I come you, I hate you, far me please : Tôi "căm" bạn, tôi ghét bạn, xa tôi ra!!!

  • When I seven love, I look at star and ask myself star I seven love: Khi tôi thất tình, tôi nhìn vì sao và tự hỏi sao tôi thất tình

  • star I Miss: Vì sao tôi cô đơn

  • I love you die up die down: anh iu Em chết lên chết xuống

  • Life me aunt form: Đời tôi cô đơn

  • rather eat you better eat theif : thà ăn mày hơn ăn cướp


Hoặc ngày xưa anh Táo Quân của nghệ sĩ Tự Long có câu thơ lục bát: "Xu gờ xu gờ oăn đờ hia rô/ Lúc mi chắc chắn thô lờ dan diu", Engsub là "Sugar sugar one the hero/ Look me chắc chắn taller than you", Vietsub lại là: "Đường đường một đấng anh hào/ Trông tao chắc chắn là cao hơn mày".


Okay, nếu chỉ dừng lại ở đó thì các bạn sẽ nói rằng, Ồ, có sao đâu, chỉ là trò đùa thôi ấy mà, kệ đi!


Mình cũng đã từng nghĩ như thế, cho đến khi một học sinh của mình dịch câu "Của bạn đây" "Of you here", và bạn ngồi bên cạnh hùng hồn nói đế: "Không phải, là yours here mới đúng!"


Đến đây thì không còn thấy vui tẹo nào luôn :((((


Các bạn hẳn là biết câu "Của bạn đây" là một câu khá phổ biến trong tiếng Anh đúng không, và dịch đúng phải là "Here you are"

Thẻ tao đây! Cầm lấy! Của mày tất! Mỗi tội không có đồng nào trong đấy đâu!

Vậy đấy, phải nói rằng đây là một kiểu lỗi mà các bạn mới bắt đầu học Tiếng Anh thường gặp lắm luôn. :((((



Story #2: Có một quả táo trong tủ lạnh.


Từ "có" là một từ mà khá nhiều bạn tự tin rằng, dịch sang tiếng Anh đương nhiên là từ "have". Và thế là chúng ta có câu: "Have an apple in the fridge".

Và hẳn là bạn cũng có cảm giác sai sai sau khi nói câu đó, nhưng sai chỗ nào thì bạn cũng chịu!

Hmm, đó là khi bạn ấy không phân biệt rõ ràng rằng "have" là sở hữu, còn từ "có" ở đây chỉ đơn giản là ta đang liệt kê mà thôi. Chưa kể câu kia còn thiếu chủ ngữ nữa kìa.


Vậy thì đáp án đúng là gì? Nhiều bạn học sinh đã á ố vì câu "There is an apple in the fridge" quá sức quen thuộc.

"Có vậy mà cũng không nghĩ ra".


Tình huống tương tự cũng dễ dàng xảy ra với những từ khó hơn trong bài thi Ielts của chúng mình đấy!



Story #3: It takes me 1 second to fall in love with her


Đây là một cấu trúc mà các bạn rất hay gặp đúng không nào?

It takes sb + time + to do st

Thế nhưng các bạn thường gặp rắc rối khi dịch nó. Chắc hẳn các bạn đã gặp nhiều người dịch câu này là: "Nó tốn của tôi một giây để phải lòng cô ấy"


My God, nghe như...


Sự thú vị của cấu trúc đơn giản này, đó là it chỉ là một chủ ngữ giả. Chủ ngữ thật của các bạn là "tôi" cơ mà. :))))

Vậy nên bạn chỉ cần dịch thành "Tôi mất có một giây là đã phải lòng cô ấy rồi" thì có phải đã thuận tai hơn rất nhiều rồi đúng không nào?


Đây chỉ là một câu đơn giản và quen thuộc, bạn thử nghĩ xem, nếu câu cú dài dòng và rắc rối cỡ bài đọc Ielts mà bạn dịch word-by-word kiểu này thì đúng là tự đẩy mình vào thế bí rồi đấy.


Story #4: Mọi người thường không biết những điều họ cần cải thiện là gì.


Hmm, câu này xem ra có vẻ phức tạp. Và chúng ta nhận được câu viết của một bạn học sinh tại lớp Advanced là "People don't usually know things which they need."

Ờm, câu này nhìn có vẻ ổn mà.


Vậy mà thầy giáo của lớp, khi đọc câu tiếng Anh này, (các bạn nhớ là thầy không giống chúng ta, thầy không hề nhìn thấy câu tiếng Việt kia nhé :)))), đã phải hỏi lại bạn học sinh đó, rằng "Ý của em là sao?"


Tại sao thầy lại thấy khó hiểu với một câu mà trong mắt học sinh khá là dễ hiểu như thế này nhỉ?



Đó là vì bạn ấy đã dịch word-by-word cụm từ "những điều họ cần là gì" đấy! Bạn ấy đã dịch "những điều" là "things", và sử dụng mệnh đề quan hệ ở đây.


Về mặt ngữ pháp thì câu này không sai, nhưng cách diễn đạt như vậy không tự nhiên và khiến cho người nghe khó hiểu.


Một câu thay thế sẽ là: "People don't usually know WHAT they need".


Bạn có thấy xuôi hơn không nào?


Vậy hãy tưởng tượng thầy giáo là giám khảo người Anh của bạn, bạn nghĩ mình có dễ mắc lỗi sai giống như trên không?


3. Làm sao để không mắc lỗi dịch word-by-word?


#1: Lời khuyên số 1 của mình dành cho các bạn là không được lệ thuộc vào những từ điển cỡ Google dịch và các app từ điển mà (buồn thay) các bạn thường sử dụng trên điện thoại, nói chung là những nguồn từ điển không chính thức.


Điều này không có nghĩa là mình khuyên các bạn không nên dùng chúng, mà khi bạn dịch một từ từ tiếng Việt sang tiếng Anh, hãy chắc chắn là mình kiểm tra chiều ngược lại bằng từ điển Oxford hoặc Cambridge nhé.


Link Oxford và Cambridge cho bạn nào cần nè!!!!

https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/

https://dictionary.cambridge.org/




#2: Điều tiếp theo là bạn nên có ý thức tránh dịch word-by-word, vì cấu trúc câu của Tiếng Anh hoàn toàn khác tiếng Việt.


Khi dịch Việt - Anh, thay vì nhảy bổ vào dịch, hãy bình tĩnh, viết 1 câu Tiếng Việt đúng ngữ pháp trước (nhiều bạn bỏ qua bước này, mình sẽ quay lại với lỗi này trong bài viết sau nhé <3 ), xác định các thành tố trong câu đó, và dịch từng thành tố đó sang tiếng Anh. Và đừng quên kiểm tra ngữ pháp tiếng Anh của câu bạn vừa viết/nói nhé!


Còn khi dịch Anh - Việt, cũng hãy bình tĩnh xác định chủ ngữ thật của câu nằm ở đâu, bình tĩnh xác định xem yếu tố nào bổ nghĩa cho yếu tố nào, cố gắng hiểu ý của câu trước khi dịch cụ thể bạn nhé!


#3: Và điều cuối cùng, điều mà mình nghĩ là quan trọng nhất, đó là hãy tiếp xúc nhiều hơn nữa với tiếng Anh.


Một bộ phim tiếng Anh bét nhất cũng phải có 1 câu "Của bạn đây", và cấu trúc "what you need" thì bạn cũng sẽ gặp thường xuyên không kém. Tiếp xúc càng nhiều, bạn sẽ dùng càng tự nhiên, đến mức sẽ có những cấu trúc mà bạn dùng vì bạn thấy người bản ngữ dùng vậy, dù lúc đó bạn không thực sự hiểu chính xác về mặt ngữ pháp của nó. Nếu có thể thì đi du lịch sang Anh/Mỹ 1 tháng thì còn gì bằng :))))


Vậy thôi, bài chia sẻ của mình đến đây là (quá) dài rồi nhỉ! Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc đến tận những dòng cuối cùng này!


Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau nhé!!!!




5.613 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page