Nhắc đến IELTS, các bạn hay đặt câu hỏi: "Bọn em phải trả lời nội dung thế nào cho nó hay? cho thật hoành tráng? cho gây ấn tượng?" Tuy nhiên, thực chất giám khảo không quan tâm nội dung mà các bạn nói. Vì IELTS là bài kiểm tra ngôn ngữ, nên cái mà các examiner quan tâm chính là kỹ năng ngôn ngữ của mình thôi!
IELTS LÀ MỘT BÀI KIỂM TRA NGÔN NGỮ
Tức là muốn đánh giá việc sử dụng ngôn ngữ của thí sinh chứ không quan tâm họ nói cái gì. Vấn đề nói cái gì ở đây liên quan đến một bài kiểm tra kiến thức nhiều hơn. Ví dụ như thí sinh phải học kiến thức về một môn cụ thể như thời trang, lịch sử,... thì mới có thể đưa ra câu trả lời đúng và hay được.
Ở bài thi IELTS, chúng mình chỉ cần nói theo những gì đã biết, để biết rằng mình nói được tiếng Anh, viết được tiếng Anh, vậy là đủ rồi!
Các câu hỏi của IELTS được thiết kế rất phổ thông để cho học sinh cấp 3 học kiến thức hàng ngày thôi cũng có thể trả lời được. Không có câu nào chuyên sâu hay đánh đố quá.
Kể cả với những bài Reading hay Listening, có thể có những câu hỏi tương đối khó, từ vựng khó dùng để phân loại, nhưng cũng không phải kiến thức quá chuyên môn, rất khó để mà biết.
Thời gian chúng mình dành cho việc nghĩ ra những ý tưởng hay, cố gắng để học thêm những từ vựng hay ho, rõ ràng là không cần thiết. Hãy dành thời gian đó cho những việc thiết thực hơn. Ví dụ như học ngữ pháp, phát âm cho rõ ràng, chuẩn hơn, hay là học các từ vựng liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau.
Thử một ví dụ cho một câu hỏi writing đơn giản: "Có nên cấm việc sử dụng xe máy trong thành phố hay không? Em đồng ý đến cỡ nào về vấn đề này?". Rất nhiều bạn có suy nghĩ vô cùng phức tạp: "Xe máy là một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống, từ trước đến nay lịch sử xã hội Việt Nam gắn với xe máy, nó giúp chúng ta làm vô cùng nhiều việc, xã hội vận hành dựa trên nó và không thể sống thiếu nó được",...
Như vậy chúng mình đang suy nghĩ câu hỏi theo một hướng rất phức tạp, cố gắng biến đó là một vấn đề trừu tượng, khó diễn tả. Thực tế, chúng mình chỉ cần nói rất đơn giản "Theo tôi thì không nên cấm xe máy, bởi vì nó rất rẻ, phù hợp với túi tiền của người Việt Nam. Xe máy rất tiện vì có thể đi được trong những ngõ ngách nhỏ ở Việt Nam".
Những câu trả lời như vậy được gọi là common sense. Nếu chúng mình suy nghĩ càng phức tạp thì bắt buộc ngôn ngữ mình sử dụng càng phức tạp, kéo theo việc mắc lỗi sai nhiều hơn.
Nếu chúng mình suy nghĩ những thứ đơn giản, như tiết kiệm được thời gian, tiền bạc,... những thứ này gần như chủ đề nào cũng có lợi cho con người. Chỉ cần đơn giản như vậy thôi là mình có thể đạt điểm.
VẬY THÌ CÓ PHẢI EM NÓI GÌ CŨNG ĐƯỢC?
Tất nhiên không phải. Nếu chúng mình nói sai, không đúng trọng tâm câu hỏi thì điểm mình sẽ mất không phải là điểm nội dung, mà là điểm vocabulary (điểm từ vựng). Thử một ví dụ nhỏ khác nhé. nếu như câu hỏi là: "How often do you read books?" (Bạn đọc sách thường xuyên đến cỡ nào?) và nếu như câu trả lời là: "Well, I love reading books, books are awesome. I read so many types of book".
Rõ ràng câu trả lời này không đáp ứng câu hỏi tần suất của chúng mình đọc sách bao nhiêu lần trong vòng 1 ngày, 1 tuần, vậy là đã đi xa so với nội dung rồi. Cái giám khảo trừ điểm ở đây sẽ là từ vựng, vì mình không hiểu được từ "often" ở đây là sẽ phải trả lời bằng những từ, ví dụ như "Tôi hiếm khi đọc lắm", "Tôi rất thường xuyên đọc", "Ngày nào tôi cũng đọc",....
Với Speaking thì đơn giản như vậy, Writing thì cần phải rõ ràng hơn nữa. Ví dụ như bài hỏi về motocycles mà chúng mình trả lời là cars thì rõ ràng không đúng rồi!
Cái mà chúng mình cần thể hiện là cho người ta hiểu mình đã hiểu câu hỏi và đưa ra câu trả lời dựa theo câu hỏi ấy.
Tóm lại, giám khảo không quan tâm nội dung thí sinh nói. Họ chỉ cần nghe những ý tưởng dễ hiểu nhất, bám sát câu hỏi nhất, và nó được diễn tả một cách mạch lạc, trôi chảy và đúng ngữ pháp là được.
Chúng mình chỉ có khoảng 40 phút để viết một bài viết, mà chỉ có khoảng 1 phút để chuẩn bị bài nói. Cho nên hãy tập trung vào kĩ năng ngôn ngữ, nhanh, gọn, đơn giản, dễ hiểu. Vậy là đủ!
Hãy ghi nhớ điều cơ bản nêu trên và có một bài thi thật thành công nhé!
Comments